Bán hàng trên Fanpage Facebook đã trở nên rất phổ biến và nhiều chủ shop gần như dựa 100% vào kênh này để tìm kiếm khách hàng. Có thể hình dung là bạn đang bỏ tất cả trứng vào một “chiếc giỏ” Facebook và sẽ phải bảo vệ cái giỏ đó thật cẩn thận. Bài viết này sẽ giúp liệt kê ra những loại tài sản đáng giá nào trên Facebook mà bạn đang sở hữu và cần phải quản lý fanpage chặt chẽ.
1. Quản lý fanpage và tài khoản quảng cáo
Fanpage là cửa hàng kinh doanh trên Facebook nên nếu bị mất quyền quản trị, gần như công việc bán hàng của bạn sẽ chấm dứt và mất rất nhiều thời gian để có thể khiếu nại đòi lại được. Nguyên nhân bị mất page thì cũng có nhiều loại: bị chiếm quyền tài khoản profile, chia sẻ quyền quản trị tùy tiện và gần đây là lỗi sử dụng teamviewer nhờ người lạ hướng dẫn.
Bên cạnh đó, tài khoản quảng cáo cũng là một miếng mồi mà bọn hacker hay nhắm đến do có thể sử dụng để thanh toán với Facebook. Việc chiếm được tài khoản quảng cáo cũng là chiếm được quyền thanh toán bằng thẻ của bạn – và khi đó thì hậu quả khó lường trước được.
Giải pháp để khắc phục những điều trên là gì?
- Nâng cao tính bảo mật cho tài khoản Facebook cá nhân. Các bạn có thể truy cập vào phần Bảo mật trong Cài Đặt để kích hoạt các tính năng nâng cao như bảo mật 2 lớp…
- Đưa tất cả Fanpage, tài khoản quảng cáo vào trình quản lý Doanh Nghiệp và bạn nắm quyền quản lý cao nhất.
- Cẩn thận khi phân quyền cho nhân viên nắm quản lý Fanpage hoặc tài khoản Quảng cáo. Nếu đã dùng trình Doanh nghiệp, bạn nên tận dụng tính năng quản lý Nhân viên (People) trong trình này.
2. Quản lý fanpage từ nội dung bên trong
Tình trạng hay gặp phải của nhiều fanpage bán hàng là đăng bài khá tùy hứng, không có kế hoạch trước. Việc này dẫn đến không xác định được đâu loại hình nội dung tối ưu nhất, hình ảnh nào thu hút nhất, thời gian đăng bài hiệu quả nhất… Một khi fanpage không may bị hack hoặc bị khóa, thông tin về nội dung, hình ảnh sản phẩm sẽ theo đó mà ra đi không có cách phục hồi lại.
Những cách sau đây có thể giúp bạn quản lý nội dung trên fanpage an toàn hơn:
- Tổng hợp nội dung các bài viết, ngày giờ post bài thành một file chung và thường xuyên cập nhật.
- Lưu trữ riêng dữ liệu hình ảnh, video của fanpage theo các album dễ quản lý và truy xuất. Để đơn giản bạn có thể sử dụng các dịch vụ lưu trữ đám mây như Google Drive hay Dropbox cho tiện lợi.
- Nếu bạn vận hành hệ thống fanpage lớn, kinh doanh nhiều năm thì có thể dùng các dịch vụ trả phí để sao lưu dữ liệu từ fanpage. Một số bên cung cấp dịch vụ này như backupify.com, digi.me …
3. Quản lý thông tin và tin nhắn của khách hàng
Với sự hỗ trợ của chức năng bình luận và tin nhắn, công việc việc thuyết phục khách hàng, chốt đơn hàng được thực hiện ngay trên fanpage. Nhiều shop hiện tại có quy trình bán hàng chưa thống nhất, nhận thông tin đặt hàng từ nhiều nguồn nên việc quản lý những dữ liệu này còn rất thủ công, dễ dẫn đến tình trạng thất lạc, gây mất uy tín cho shop.
Thêm nữa tình trạng cướp khách trên fanpage ngày càng phổ biến, dữ liệu khách hàng không được bảo mật, quản lý cẩn thận sẽ dẫn đến thất thoát doanh thu không nhỏ.
>>> Xem thêm: Bảng giá dịch vụ quản lý fanpage Facebook
Vậy làm cách nào để quản lý số lượng không nhỏ thông tin khách hàng, tin nhắn, bình luận như vậy? Bạn hãy thử một số cách sau đây xem:
- Lưu trữ thông tin khách hàng qua một file bên ngoài, bao gồm cả link Facebook của khách hàng. Nếu có điều kiện, các bạn nên sử dụng các phần mềm quản lý bán hàng để đơn giản hóa thao tác này.
- Sử dụng các phần mềm quản lý bình luận, tin nhắn vừa để lưu trữ, vừa dễ dàng tương tác với khách hàng hơn. Trên thị trường hiện nay có một số phần mềm cung cấp tiện ích này như Pancake.vn, Page365.net, Harapage…
- Bảo mật thông tin cho khách hàng, tránh bị cướp khách bằng cách ẩn bình luận, hướng khách hàng đến việc gửi tin nhắn riêng.
4. Quản lý các chiến dịch quảng cáo
Các bạn chủ shop thường thuê freelancer chạy quảng cáo và cũng không mấy quan tâm đến dữ liệu kết quả các chiến dịch quảng cáo. Như vậy bạn sẽ gặp khó khăn rất nhiều khi chuyển sang thuê một freelancer khác, hoặc khi tài khoản quảng cáo bị khóa và phải chuyển sang một tài khoản mới hoàn toàn.
Facebook đã xây dựng cả một hệ thống báo cáo chi tiết và nếu phân tích kĩ lưỡng, các bạn sẽ hiểu ra được rất nhiều điều từ các báo cáo đó:
- Loại hình quảng cáo hiệu quả nhất
- Vị trí hiển thị quảng cáo tối ưu nhất
- Đối tượng khách hàng tiềm năng nhất
- Mức độ quan tâm của khách hàng đối với quảng cáo
Để giải quyết vấn đề này, các bạn chủ shop nên:
- Tự lập tài khoản quảng cáo và yêu cầu freelancer chạy quảng cáo trên tài khoản ấy (bằng cách phân quyền). Cách này còn giúp kiểm soát ngân sách quảng cáo hiệu quả hơn.
- Thường xuyên xuất báo cáo về lưu trữ, bao gồm cả nội dung quảng cáo và số liệu thống kê kết quả quảng cáo. Khi bạn thuê một freelancer mới, chỉ cần đưa các báo cáo này cho họ tìm hiểu là đủ.
- Tự học cách phân tích kết quả quảng cáo, đọc các thông số quan trọng. Từ đó bạn có thể hiểu hơn về khách hàng và hành vi mua hàng của họ.
Tổng kết lại, các chủ shop không thể bỏ qua 4 lưu ý về quản lý fanpage ở trên nếu muốn xây dựng một kênh bán hàng Facebook chuyên nghiệp.
(Nguồn: Dat Chu – hiSella)