Trong số tất cả những phiên bản cải tiến từ mô hình 4P, 7P trong marketing được xem là mô hình phổ biến nhất. Bởi đây là phiên bản có khả năng đáp ứng đủ các yếu tố cần thiết để nâng cao hiệu quả cho marketing dịch vụ.
Chắc hẳn bạn cũng đã từng nghe qua đến cái tên này, tuy nhiên vẫn còn mơ hồ chưa thật sự hiểu đó là gì và ứng dụng ra sao. Vì vậy, trong bài viết hôm nay, AZTECH sẽ chia sẻ với bạn nhưng thông tin quan trọng về marketing mix 7Ps nhằm giúp bạn có thể hình dung rõ nét hơn về vấn đề này.
Marketing Mix 7Ps là gì?
7P trong Marketing là mô hình chú trọng vào dịch vụ khách hàng thay vì chỉ tập trung vào mỗi sản phẩm như trước đây. Tên gọi 7P là viết tắt của 7 yếu tố gồm: Product, Price, Place, Promotion, People, Process, Physical Evidence – những điều kiện không thể thiếu khi doanh nghiệp muốn vạch ra một chiến lược Marketing dịch vụ hoàn chỉnh.
Nguồn gốc của mô hình 7P trong Marketing dịch vụ
Marketing Mix 7Ps có nguồn gốc phát triển dựa trên mô hình Marketing Mix 4Ps của E. Jerome McCarthy, xây dựng vào năm 1960 trong cuốn sách Marketing: A Managerial Approach. Khái niệm marketing mix ban đầu được tạo ra trong thời kỳ phần lớn doanh nghiệp vẫn còn tập trung vào bán sản phẩm hữu hình. Nhưng cho đến những năm 1980, nhiều doanh nghiệp thiên về cung cấp sản phẩm vô hình và dịch vụ bắt đầu xuất hiện, 4P dần không thể đáp ứng được những yêu cầu trong ngành này.
Chính vì vậy vào năm 1981, Bernard H. Boom và Mary J. Bitner đã tiến hành mở rộng mô hình 4P thành Marketing Mix 7Ps. Bằng cách bổ sung thêm 3 yếu tố (people, process, physical evidence) để có thể giúp các nhà tiếp thị nhanh chóng thích ứng với xu thế thị trường.
Song song với việc nhận được hưởng ứng tích cực, mô hình 7P trong Marketing cũng vấp phải những ý kiến trái chiều, nhiều người cho rằng mô hình này có phần lỗi thời. Tuy nhiên, ngay cả khi đến năm 2020, 7P vẫn còn được đánh giá là xương sống cho các mô hình kinh doanh và tiếp thị.
Giải nghĩa các thành tố của mô hình 7P trong Marketing dịch vụ
Để hiểu rõ hơn về mô hình 7P trong Marketing là gì, bạn cần diễn giải được ý nghĩa của các thành tố có trong mô hình gồm:
- Sản phẩm (Product): Sản phẩm hoặc dịch vụ, bao gồm các tính năng, điểm độc nhất của sản phẩm (USP – Unique selling points) và hơn hết là chất lượng của chúng.
- Giá cả (Price): Chiến lược giá dài hạn của sản phẩm trên thị trường, bao gồm giá bán hàng, chiết khấu, deal.
- Xúc tiến (Promotion): Các phương pháp sử dụng nhằm quảng bá sản phẩm trên nhiều kênh, thúc đẩy doanh số bán hàng.
- Phân phối (Place): Nơi mọi người có thể thấy, tìm hiểu và cuối cùng là mua sản phẩm của bạn.
- Con người (People): Những người tiếp xúc với khách hàng mục tiêu của bạn, cả trực tiếp lẫn gián tiếp.
- Quy trình (Process): Các phương pháp doanh nghiệp dùng để cung cấp sản phẩm đến tay người tiêu dùng và cung cấp trải nghiệm tốt nhất cho họ.
- Bằng chứng vật chất (Physical Evidence): Các mặt hàng và những trải nghiệm hữu hình bạn tạo ra cho khách hàng tin rằng những thông tin về sản phẩm mà bạn đang cung cấp đều là thật. Đối với nền tảng kỹ thuật số, điều này có thể bao gồm lượt truy cập trang web, email xác nhận, lời nhận xét, đánh giá được chứng thực thông qua trải nghiệm của chính khách hàng.
1. Product – Sản phẩm
Chữ P đầu tiên trong mô hình tiếp thị này là “sản phẩm” và đây là yếu tố tiên quyết bạn cần có trước khi triển khai xây dựng chiến lược theo marketing mix 7Ps. Lý giải đơn giản là vì sẽ không có một chiến lược tiếp thị nào thành công nếu sản phẩm / dịch vụ không phải là tâm điểm của chiến lược.
Mỗi sản phẩm sẽ có những ưu, nhược điểm khác nhau tùy thuộc vào thị trường bạn đang nhắm đến. Tuy nhiên, ít nhất bạn nên đầu tư những yếu tố chủ lực như:
- Chất lượng: Chất lượng sản phẩm cao là nền tảng vững chắc giúp bạn hoạt động tiếp thị cũng như bán hàng dễ dàng hơn.
- Hình ảnh: Chẳng hạn như bao bì, logo, kiểu dáng… những cái mà thông qua đó, mọi người sẽ nghĩ ngay tới bạn. Đây cũng là một phần trong quá trình xây dựng bộ nhận diện thương hiệu tổng thể của doanh nghiệp.
- Tính năng: Các tính năng của sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn cần chú trọng nhiều đến USP và lợi ích mà khách hàng mục tiêu có thể nhận được từ chúng.
- Đa dạng sản phẩm biến thể: Cùng là một sản phẩm nhưng có nhiều biến thể khác nhau. Ví dụ như: sữa Vinamilk Original, sữa Vinamilk vị dâu, socola… Vì mỗi phiên bản sẽ hướng đến nhóm đối tượng mục tiêu cụ thể hơn, nhờ đó khả năng thuyết phục khách hàng mua sản phẩm/dịch vụ cũng được tăng cao.
2. Price – Giá cả
Giá cả khá dễ hiểu nhưng nhiều công ty vẫn còn sai lầm trong quá trình định giá sản phẩm khi bán lẻ hoặc bán với số lượng lớn và chưa thực sự nghiêm túc suy xét về một số nguyên nhân khác ảnh hưởng đến giá. Do đó, trong bước này bạn cần xem xét một số vấn đề gồm:
- Định vị: Hãy đánh giá lại và tự trả lời câu hỏi “thương hiệu mình đang được định vị ở phân khúc nào trong thị trường?” Vì chỉ khi định vị sản phẩm đúng vị trí mà chúng nên ở, các chiến dịch sau đó sẽ dễ dàng tiếp cận với khách hàng tiềm năng hơn.
- Xem xét đối thủ cạnh tranh: Cần tìm hiểu, so sánh xem liệu mức giá mà bạn đang đưa ra có tương xứng với sản phẩm và có khả năng cạnh tranh với đối thủ hiện hữu của mình hay không.
- Giảm giá: Chiến lược giảm giá nên theo một kế hoạch nhất định với mục đích tối đa hóa doanh số, không nên tùy tiện để kích cầu.
- Phương thức thanh toán: Bạn sẽ chấp nhận những hình thức thanh toán nào đối với khách hàng? Riêng nhà phân phối và đại lý, bạn có chấp nhận hình thức trả sau khi họ mua số lượng lớn hay không?
- Các yếu tố giúp giá trị gia tăng: Đâu là những yếu tố giúp giá trị sản phẩm/dịch vụ của bạn tăng lớn? Sản phẩm tặng kèm hay những ưu đãi nào khác?
3. Promotion – Quảng bá, xúc tiến
Chữ P thứ 3 của 7P trong Marketing là nói đến các hoạt động Marketing và bán hàng của bạn trên tất cả các kênh. Những kênh này sẽ thay đổi khác nhau phụ thuộc vào bản chất của doanh nghiệp, nói theo cách khác là tùy vào nơi khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp đang tập trung. Ví dụ như: công ty B2B có thể ưu tiên tiếp thị thông qua email, trong khi công ty B2C cùng ngành có thể tập trung nhiều hơn vào các hình thức trực tiếp.
Với sự phát triển của Internet, dưới đây là một số yếu tố bạn cần xem xét:
- Marketing đa kênh: Hành trình mua hàng (customer journey) của người dùng diễn ra trên rất nhiều kênh khác nhau. Do đó, bạn cần có mặt trên tất cả các kênh mà người dùng có thể đi qua, bởi càng có nhiều điểm chạm, bạn càng có cơ hội chuyển đổi khách hàng thành công. Ngoài ra, cũng cần đảm bảo rằng các kênh này điều có chung mục đích là làm sao khiến khách hàng mua hàng.
- Xây dựng thương hiệu: Bao gồm cả bộ nhận diện và những thông điệp mà doanh nghiệp sẽ truyền tải đến người dùng, từ đó giúp người dùng dễ nhận diện thương hiệu, đồng thời nâng cao sự gắn kết giữa cả 2 bên.
- Nuôi dưỡng: Nhiều doanh nghiệp mắc sai lầm khi tập trung tất cả nguồn lực để tìm kiếm khách hàng tiềm năng nhưng chăm sóc, nuôi dưỡng cung là điều quan trọng. Vì đây là cách giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi và cũng là cách giữ chân khách hàng tiềm năng.
Để promotion thành công, hơn hết, bạn cần biết cách xây dựng chiến lược Marketing đúng đắn, bài bản!
4. Place – Phân phối
Nơi phân phối trong thời đại số đề cập đến mọi vị trí – nơi khách hàng tiềm năng tương tác với thương hiệu trước và sau khi mua hàng. Do đó, kênh phân phối không chỉ gói gọn ở các cửa hàng truyền thống, mà còn bao gồm các địa điểm sau:
- Công cụ tìm kiếm (Google): Nơi khách hàng tìm kiếm những thông tin về doanh nghiệp. Chính vì vậy, bạn cần xây dựng Fanpage, Website và tối ưu chúng chuẩn SEO nhằm tăng khả năng xuất hiện trước mặt người dùng khi họ truy vấn thông tin của bạn hoặc liên quan trên công cụ tìm kiếm.
- Website: Nơi khác hàng tìm thông tin về sản phẩm và cả thương hiệu trước khi ra quyết định mua hàng. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn tích hợp tính năng mua hàng ngay trên website của mình.
- Social Media: Ngày nay khách hàng thường tìm đến kênh này để có thể kết nối với dịch vụ chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp.
- Các trang web khác: Mặc dù đó không phải là kênh riêng của bạn, nhưng bạn vẫn có thể tiếp cận với những khách hàng đã có thao tác liên quan đến tìm kiếm hoặc bỏ hàng vào giỏ… thông qua phương thức remarketing.
5. People – Con người
Nhiều người cho rằng phần People trong mô hình 7P trong Marketing dịch vụ là đang ám chỉ khách hàng tiềm năng. Nhưng thực chất, chữ P này hàm ý nói đến những người trong doanh nghiệp có tương tác với khách hàng cả trực tiếp và gián tiếp gồm:
- Nhà tiếp thị: Marketing mix 7Ps nhấn mạnh rằng mỗi vị trí trong nhóm Marketing của bạn nên là những người tài năng nhất.
- Đội ngũ bán hàng: Đây là những người đầu tiên tiếp xúc trực tiếp với khách hàng và cũng là người thương xuyên chốt giao dịch với khách.
- Nhóm chăm sóc khách hàng: Các cá nhân được giao nhiệm vụ chăm sóc, giữ cho khách hàng luôn cảm thấy hài lòng ngay cả khi họ mua phải một sản phẩm có chất lượng tệ của thương hiệu.
- Tuyển dụng: Việc tuyển dụng những nhân tài tốt nhất bắt đầu từ bằng việc có những nhân sự tuyển dụng chất lượng.
- Đào tạo kỹ năng: Những người chịu trách nhiệm đảm bảo tất cả các thành viên trong doanh nghiệp có thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đã được phân công.
- Người quản lý: Những người có kỹ năng quản lý nhóm, khai thác tối đa điểm mạnh của mọi người và đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra.
6. Process – Quy trình
Quy trình trong mô hình 7P đề cập đến cách thức doanh nghiệp cung cấp sản phẩm/dịch vụ cho khách hàng. Thông thường, quy trình cung cấp sẽ có những việc sau:
- Quy trình phân phối trong doanh nghiệp: Đó là cách bạn tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm nhanh chóng đến người dùng. Chẳng hạn như khi khách hàng mua hàng, hàng hóa có được gửi thẳng đến đơn vị vận chuyển hay còn qua những khâu trung gian nào khác.
- Quy trình giao hàng: Gồm cả hình thức mua hàng trực tuyến và mua tại cửa hàng. Hoặc tải tài liệu, thông tin từ trang web và cả quy trình đăng ký trực tuyến. Bạn sẽ giao hàng như thế nào trong những trường hợp đó.
- Dịch vụ khách hàng: Dịch vụ khách hàng ở đây không phải đang nói riêng về hệ thống tư vấn chăm sóc, giữ chân và bán hàng. Bạn có thể hình dung đây chính là cách doanh nghiệp giúp việc theo dõi đơn hàng của bạn trở nên dễ dàng hơn.
- Trả hàng & hoàn tiền: Cách thức bạn xử lý các trường hợp khách hàng từ chối nhận hàng, hàng lỗi, đơn vị giao hủy chuyến…
- Phản hồi: Quy trình thu thập phản hồi của khách hàng và áp dụng những thông tin chi tiết này để cải tiến sản phẩm, dịch vụ, cũng như quy trình phân phối.
- T&Cs: Chỉ rõ trách nhiệm và nghĩa vụ khi xảy ra trường hợp ngoài ý muốn – đây là cách giúp bạn bảo vệ doanh nghiệp của mình trước những tình huống đấy.
7. Physical Evidence – Bằng chứng vật chất
Điều kiện vật chất đóng vai trò quan trọng, giúp khách hàng có cơ sở tin vào những gì doanh nghiệp đang làm như:
- Kênh phân phối: Đây là chữ P thứ tư của mô hình 7P trong Marketing – Place. Cho dù đó chỉ là trang web của doanh nghiệp nhưng những địa điểm phân phối này là một trong những điều kiện cần để khách hàng tin rằng thương hiệu này có tồn tại và đáng tin cậy.
- Bằng chứng từ bên thứ ba: Ví dụ như các đánh giá từ khách hàng đã sử dụng sản phẩm/dịch vụ, truyền thông báo chí tuyên bố về những mặt tốt của doanh nghiệp…
- Trải nghiệm trực tuyến: Ở đây đang đề cập đến website của doanh nghiệp. Website được xây dựng chuyên nghiệp, tối ưu các yếu tố về UX/UI sẽ tăng sức thuyết phục đối với khách hàng hơn những trang web thiết kế lộn xộn.
- Xác nhận đơn hàng: Dù đó là biên nhận bằng giấy hay chỉ đơn thuần là email xác nhận, miễn là thông quá đó, khách hàng biết rằng giao dịch của họ đã thành công và có cái để làm bằng chứng khi giao dịch xảy ra sự cố.
- Bao bì sản phẩm: Cả bao bì, nhãn hiệu vật lý và trên nền tảng kỹ thuật số cần được đồng nhất, không gây nhầm lẫn cho khách hàng.
Cách ứng dụng mô hình 7P trong Marketing dịch vụ
Mô hình 7P trong Marketing được thiết kế như một khung sườn, không chỉ áp dụng riêng cho hoạch định chiến lược Marketing, mà còn được dùng để thiết lập mục tiêu, tiến hành phân tích SWOT (điểm mạnh – yếu – cơ hội – thách thức) và là khuôn khổ thực tế giúp doanh nghiệp đánh giá tình trạng hoạt động hiện tại của mình. Cụ thể hơn, bạn có hể ứng dụng mô hình vào trong các hoạt động doanh nghiệp thông qua xây dựng 7 yếu tố đánh giá như:
- Product – Sản phẩm / dịch vụ: Bạn sẽ phát triển sản phẩm, dịch vụ của mình như thế nào?
- Price – Giá bán: Mô hình định giá dựa trên cơ sở nào? Làm thế nào để thay đổi mô hình định giá?
- Promotion – Quảng bá: Bạn lựa chọn quảng bá trên kênh truyền thông nào và cách thức bạn thực hiện ra sao?
- Place – Địa điểm: Khách hàng sẽ tiếp xúc, trải nghiệm sản phẩm / dịch vụ của thương hiệu dựa trên những địa điểm nào? Kênh online, tại cửa hàng hay email…?
- People – Con người: Nhân viên của bạn là ai và họ còn thiếu những kỹ năng gì?
- Process – Quy trình: Bạn làm thế nào để cải thiện quy trình sản xuất nhằm tối ưu lợi nhuận?
- Physical Evidence – Trải nghiệm thực tế: Những biện pháp bạn đưa ra nhằm đảm bảo khách hàng có trải nghiệm tốt nhất là gì? (Chẳng hạn như: Huấn luyện, đào tạo kỹ năng cho nhân viên một cách kĩ lưỡng, xây dựng Website thu hút hoặc bao bì bắt mắt, hợp xu hướng.)
Kết luận
Thực tế, mô hình 7P trong Marketing dịch vụ không phải là khuôn khổ cố định, bắt buộc bạn phải tuân theo. Mà đây chỉ là một quy trình giúp bạn xem xét mọi khía cạnh trong doanh nghiệp để thông qua đó xây dựng chiến lược Marketing phù hợp, tiếp cận đúng đối tượng khách hàng mục tiêu.
Mong rằng những chia sẻ trên đã mang đến những thông tin hữu ích, giá trị đối với bạn. Và đừng quên liên hệ ngay với AZTECH qua Website: https://marketing.aztech.com.vn/ hoặc HOTLINE: 0903.858.865 nếu bạn đang cần được hỗ trợ tư vấn chiến lược Marketing nhé!
| CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Gói dịch vụ Marketing trọn gói chỉ từ 8 TRIỆU/tháng
- Social Media Marketing là gì? Cách lập chiến lược Social Marketing